ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN

http://llct.cntp.edu.vn/index.php/danh-nhan-dat-viet/89-tieusudtletrongtan

ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN


TIỂU SỬ

ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN

Đại tướng Lê Trọng Tấn  

      Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 5/12/1986), nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

     Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng (2007), Huân chương Quân công hạng Nhất hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất Nhì Ba, Huy chương Quân kỳ quyết thắng.“Người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

 ‘’Đây có phải là tướng đánh trận giỏi nhất ở Việt Nam không’’ (Chủ tịch Phidel, khi gặp Tướng Lê Trọng Tấn trong lần Chủ tịch ra thăm chiến trường Quảng Trị) “Trí – Dũng – Nhân – Chính – Liêm – Trung”, “Rộng lượng và Hào hiệp”, “Tài năng, Cương trực”, “Đức độ, Tài ba”, “Quyết đoán, Nhân nghĩa”, “Người chỉ huy ưu tú, kiên cường, người thủ trưởng có tình thương chân thành, chăm sóc anh em với tình cảm của người anh, người mẹ” (Đây là tất cả những lời tốt đẹp nhất mà các Sĩ quan cao cấp dành cho ông)

   Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thận là Lê Trọng Tố, bí danh Ba Long, sinh tại làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây trong một gia đình trí thức có 7 người con (5 trai, 2 gái). Cha ông là một thày đồ nghèo mất khi ông mới lên 7 tuổi, ông trưởng thành nhờ sự tần tảo của người mẹ. Xã Yên Nghĩa là một xã có truyền thống yêu nước cũng như có truyền thống cách mạng, thời kì trước cách mạng, nhân dân xã đã nuôi giấu nhiều nhà cách mạng, mà sau này họ trở thành những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn…Đây chính là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ thời tiền khởi nghĩa.

   Ham mê bóng đá và võ nghệ từ nhỏ, khi là học sinh của trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An ở Hà Nội) ông đã được tuyển vào Câu lạc bộ bóng đá Không quân của Pháp. Sau đó, có một thời gian ông là lính khố đỏ.

   Đại tướng Lê Trọng Tấn tham gia Việt Minh từ năm 1944. Lúc đầu ông được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai-Hà Nội. Tháng 3 năm 1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng Lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông).

   Quê ông có 4.593 nhân khẩu, nạn đói năm 1945 làm chết đói gần một nửa. Ông đã tổ chức phá kho thóc, chia gạo cho nhân dân Do Lộ vượt qua nạn đói khủng khiếp.

   Tháng 8 năm 1945, ông tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông phụ trách Quân sự – bởi những hiểu biết về quân sự có được trong thời gian ông làm lính khố đỏ, ông nhập ngũ từ thời điểm này. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

   Trong những ngày toàn quốc kháng chiến mùa Đông năm 1946, ông chỉ huy một tiểu đoàn (Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 ?) chiến đấu tại mặt trận Hà Đông – một cửa ngõ quan trọng phía Tây Thủ đô. Ông tổ chức diệt bốt Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu tiên.Tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng. Những trận đánh hay, thắng lợi giòn giã của Hà Đông đều có ông, tổ chức cho từng trận đánh vừa củng cố, vừa xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.

   Sau Tết Đinh Hợi 1947, Bộ Tổng Tham mưu điều một số đơn vị Vệ quốc đoàn ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Nam Định, Hải Phòng… cùng một lực lượng khác thuộc Chiến khu 2 gấp rút lên miền Tây, tăng cường cho khu vực biên giới Việt-Lào để giữ vững hướng chiến lược này. Ngày 27-2-1947, Trung đoàn Tây Tiến (E52) được thành lập gồm 4 tiểu đoàn và ông là một trong những chỉ huy tiểu đoàn cùng với các ông Phùng Thế Tài, Nam Hải, Hoàng Mười…Tiếp theo đó ông lần lượt giữ chức vụ Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng các Trung đoàn Sơn La (E148) rồi Trung đoàn Sơn Tây (E37)

   Ngày 23/8/1947, ông được bổ nhiệm giữ chức Khu trưởng Khu XIII khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn Tây. Ngày 25/1/1948, ông được bổ nhiệm giữ chức Khu phó Khu X.

   Ngày 16-4-1949, Ông tham gia dự buổi lễ thành lập Đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập tại Liên khu X cùng với ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản (Sau này là Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào). Đây cũng là ngày truyền thống của Bộ đội Pathét Lào. Ông là Chỉ huy trưởng Liên quân Việt – Lào tổ chức đánh các trận ở Thượng Lào, Hạ Lào, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, cánh đồng Chum, giải phóng và xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân Lào.

   Năm 1949, theo quyết định của Bộ Tổng chỉ huy, trung đoàn 209, chủ lực của Liên khu 10 chuyển thành trung đoàn mạnh, trực thuộc Bộ, mang danh hiệu trung đoàn Sông Lô. Lê Trọng Tấn khi đó là Phó tư lệnh Liên khu 10 được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy

   Từ ngày 19/5 đến ngày 18/7 năm 1949, ông tham gia chỉ huy Chiến dịch Sông Thao. Chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào phòng tuyến sông Thao của Pháp ở khu vực Yên Bái, Lào Cai, nhằm diệt sinh lực, phát động chiến tranh du kích, mở rộng khu căn cứ Tây Bắc. Chiến dịch Sông Thao gồm ba đợt kết thúc thắng lợi đã làm tiêu diệt và bức rút 25 cứ điểm, loại khỏi chiến đấu gần 500 địch, thu hơn 300 súng, phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao từ Ba Khe đến Bảo Hà (khoảng 70 km), tạo thế liên hoàn nối liền vùng tự do của ba tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. 

   Tháng 11 năm 1949, để mở thông đường liên lạc, vận chuyển từ Việt Bắc xuống Liên khu 3, 4 đồng thời thu hút lực lượng địch đang tập trung càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch Lê Lợi trên chiến trường tỉnh Hòa Bình. Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch đảm nhiệm từ chợ Bờ lên Suối Rút (ông Hoàng Sâm là Tư lệnh chỉ huy từ Hồi Xuân lên Mai Hạ và ông Lê Quang Hòa là Chính ủy). Kết quả Bức tường quân Pháp ngăn chặn giữa Việt Bắc và Liên khu 3, 4 bị đập tan, toàn huyện Mai Châu được giải phóng. Âm mưu lập xứ Mường tự trị bị phá sản.

   Năm 1950, Đại đoàn 312 được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên khi mới 36 tuổi.

   Tháng 9 năm 1950, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm khai thông đường liên lạc giữa Việt Nam với hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Lê Trọng Tấn được cử làm Phó tư lệnh chiến dịch đồng thời ông là chỉ huy của trận đánh tiêu diệt Binh đoàn cơ động Sác-tông của Pháp.

   Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy là Đại đoàn đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam (Béatrice) (ngày 13 tháng 3 năm 1954) khiến cho thiếu tá Pégrot bị tử thương cùng với toàn bộ sĩ quan trong hầm. Ngày 7/5/1954, trong đợt tiến công cuối cùng, một đơn vị của Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn của ông cùng với một đơn vị thuộc Trung đoàn 174 đã bắt sống tướng Đờ Cát và ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

   Từ tháng 12 năm 1954 đến năm 1960 ông là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân. Đây là thời kì hết sức quan trọng nhằm đào tạo nguồn cán bộ quân sự chi viện cho miền Nam chuẩn bị cho Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

   Từ tháng 3 năm 1961 đến năm 1962 ông giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

   Tháng 9 năm 1964, để chuẩn bị đánh Mỹ, cùng với Đại tướng Nguyễn Chí      Thanh, ông được cử vào Nam nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam cho đến năm 1969. Ông là một trong các vị tướng tham gia tổ chức Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

   Từ năm 1970 đến năm 1971, ông là Đặc phái viên Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạch Bộ chỉ huy Quân Giải phóng nhân dân Lào, tham gia chỉ đạo cánh đồng Chum.

   Ngày 30-1-1971, Quân đội Mỹ kết hợp với Quân đội Việt Nam Cộng hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra đường số 9 và Nam Lào, nhằm đánh chiếm Sê Pôn và chặn phá đường mòn Hồ Chí Minh. Đối phương huy động tới hơn 3 vạn quân chủ lực, 450 xe tăng, 250 khẩu pháo, 700 máy bay, chia làm 3 hướng: cánh quân chủ yếu vượt qua Lao Bảo đến Bản Đông; hai cánh còn lại dùng trực thăng đổ bộ xuống các điểm cao bên đường 9, đồng thời tuyên bố: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”…Quân ủy Trung ương đã chủ động mở Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (Mật danh 720) để đối phó, khiến cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa từ thế chủ động sang thế bị động phải rút lui. Ngày 7-3-1971, khi nghe báo cáo “Việt Nam Thông tấn xã báo cho Cục Tuyên huấn là ngụy Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn…”. ông đã nói ngay: “Địch sắp rút”… Và ngay hôm sau, lời kêu gọi của Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận đã được truyền xuống các đơn vị: “Thời cơ chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận đã đến! Diệt và bắt sống thật nhiều địch! Phá hủy thật nhiều phương tiện chiến tranh của chúng! Đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719! Bảo vệ vững chắc con đường mang tên Bác, giành toàn thắng cho chiến dịch”…Mười ngày tiếp đó, từ các mũi, hướng, bộ đội dồn dập tấn công. 18-3-1971, đối phương phải bỏ Bản Đông tháo chạy, và cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã bị đập tan!

   Năm 1972, ông được cử làm Tư lệnh chiến dịch Quảng Trị với mật danh anh Trọng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị 1/5/1972.

   Năm 1973, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1, là Quân đoàn bảo vệ miền Bắc. 

   Tháng 3 năm 1975, ông làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng. Đánh tan Quân đoàn I, Quân khu I Việt Nam Cộng hòa khi mà tại căn cứ Liên hợp Quân sự Đà Nẵng họ còn tới gần 10 vạn quân cộng với vũ khí hiện đại.

   Tháng 4 năm 1975, ông được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông (gồm quân đoàn 2, quân đoàn 4, sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn. Chính trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng óc phán đoán và đầu óc phan tích chiến lược, ông đã đề nghị Quân ủy cho cánh quân của mình nổ súng trước giờ G để cho đối phương không kịp co cụm hay phá hủy cầu. Chính Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2 thuộc cánh quân của ông đã tiến vào dinh Độc Lập đầu tiên.

   Từ năm 1976 đến tháng 2 năm 1977 ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện quân sự cao cấp. 

   Từ tháng 6 năm 1978 đến năm 1986 ông là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

   Từ tháng 12 năm 1978 đến tháng 2 năm 1979 ông chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chiến tranh biên giới Tây Nam và đánh quân Khmer Đỏ của Pol Pot ở Campuchia.

   Mùng 1 tháng 7 năm 1983, 70 tuổi, ông vẫn chỉ huy trận đánh bảo vệ Biên giới phía Bắc. 

   Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 4 và 5 (từ 1976 đến 1986), đại biểu Quốc hội khóa VII.

   Ông được mệnh danh là tướng trận, tướng tấn công và thường ví ông như nguyên soái Giucov của quân đội Liên Xô. Các nhà khoa học quân sự và quân đội anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm chiến lược, chiến thuật, kiệt xuất của QĐND Việt Nam. Ông đánh giá đúng tình hình, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng thể hiện tài năng của người chỉ huy trận mạc. Ông là hình mẫu của quân lệnh như sơn, thẳng thắn, nghiêm túc, bao dung, biết đánh, nhưng cũng biết dừng để bảo toàn lực lượng.

Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các quân đoàn do ông chỉ huy đều đoàn kết một lòng một dạ tin tưởng, vững tâm vào tài năng, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán cho từng trận đánh. Kẻ thù nghe tin tướng Ba Long chỉ huy chiến dịch nào đều sợ hãi, hoảng loạn, co cụm, bạc nhược và tê liệt sức chiến đấu, đó là uy quyền của một dũng tướng. Thắng lợi trong những trận đánh, tất yếu có sự hy sinh đổ máu. Ông không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Vì đây là sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ.

Cuộc đời ông đã có mặt hầu hết ở các chiến trường nóng bỏng và đã chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả 2 miền Nam – Bắc. Dấu ấn 2 mốc son lịch sử của ông năm 1954, ông là Đại đoàn trưởng F312 đã chỉ huy tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử, đánh phía Đông vào Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát. Năm 1975, ông là Tư lệnh trưởng, chỉ huy các binh đoàn đánh phía Đông vào Dinh độc lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, bắt sống tướng Dương Văn Minh, phải đầu hàng vô điều kiện. 

Hai trận đánh, hai mốc son lịch sử đã kết thúc hai cuộc chiến tranh với quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Mở ra kỷ nguyên mới, hòa bình, thống nhất độc lập và tự do của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Hai trận đánh xứng đáng hai lần anh hùng. 

Lê Trọng Tấn, một vị tướng tài năng có kinh nghiệm và kiến thức khoa học quân sự. Chiến dịch giải phóng miền Nam, ông đã chỉ huy vài vạn quân với hàng nghìn xe các loại, hợp đồng ba thứ quân và các binh chủng, vượt qua hàng nghìn cây số, vượt 500 con sông, đến đúng giờ quy định của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quyết định thắng lợi ngày 30-4-1975. Với chiến thuật đánh chắc thắng chắc, bao vây giỏi, chiếm từng phần, đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, trong đánh ra ngoài đánh vào, khống chế điểm mạnh, đánh điểm yếu của địch, diệt từng phần, chớp thời cơ, tiêu diệt toàn bộ sinh lực của địch. Đã đúc kết được 6 nội dung là: Vây lấn, tấn, phá, triệt, diệt có giá trị cho lịch sử khoa học quân sự Việt Nam.

Không thể kể hết công trạng quá dài của ông, người ta chỉ có thể ghi nhận điều cốt yếu: ông luôn được tin cậy để giao nhiệm vụ gầy dựng nền móng ban đầu cho những công việc hệ trọng và mới mẻ. Không chiến trường nào không lưu dấu chân ông từ Bắc-Nam-Trung, không cuộc chiến tranh nào dù chống Pháp, chống Mỹ, chống bọn diệt chủng Pôn Pốt hay bảo vệ biên giới phía bắc, lại không cần đến tài năng quân sự của ông. Từ vai trò Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân cho đến Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Giám đốc Học viện chính trị cao cấp Bộ Quốc phòng, ông là người thầy xứng đáng cho những sĩ quan thế hệ sau. Nhưng đáng nói hơn, ông là tướng tư lệnh của tất cả những chiến dịch lớn nhất, quan trọng nhất trên các chiến trường quyết định: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng-Dầu Tiếng…; chiến dịch Đường 9 Nam Lào, mặt trận Trị Thiên mùa hè 1972; tư lệnh cánh quân duyên hải, khai sinh sau khi Đà Nẵng giải phóng, đến Sài Gòn sớm nhất vào mùa xuân 1975… 70 tuổi Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn khoác áo lính ra trận. 

“Anh Tấn ơi! Ngơ ngác khắp quân doanh

Sáng họp… tối đi… sao vội thế anh?

Đại hội chưa xong… anh lên đường

Như xưa kia Bác Hồ điện gấp

Vẫn như ngày nào suốt đời cập rập

“Chơ vơ dưới cửa ba nghìn khách

Lạnh lẽo trong lòng chục vạn binh”

Sáng như trời sang xuân

Tối như mùa đổi tiết…”.

(Đại tá NSND Tào Mạt)

Mưu trí nhưng thận trọng, ông luôn tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất cho binh sĩ. Với sĩ quan thuộc cấp, ông chân thành thương yêu nhưng không cho phép sai sót. Ông là vị tướng “biết dùng quân, luyện quân, nuôi quân, chỉ huy quân”. Là một vị tướng chiến trường nổi tiếng nhưng ông cũng là một người có đầu óc chiến lược. Một vị tướng chiến lược mà vóc người thanh mảnh, nói năng nhỏ nhẹ như thầy giáo làng quê mà ta thường gặp, rất dễ gần gũi.

Bộ môn Lý luận Chính trị (st)

 

Leave a comment